Cô ơi cứu con với!( tiếp theo)
…………..
Lần theo tiếng kêu cứu của em tôi đã mất gần tiếng đồng hồ để tìm đến thăm gia đình em vào một buổi sáng chủ nhật. Căn nhà di tích còn sót lại của gia đình em, nó minh chứng cho sự khốn khó đến nhức lòng.
Tiếp chuyện tôi là bà nội kế của em. Qua bà tôi được biết thêm nhiều về Ba Má em. Anh Hòa và Chị Sà phon là những người nông dân chất phát cần cù, vợ chồng không có ruộng đất nên làm nghề nuôi vịt, và do thua lỗ vì dịch bệnh, nợ nần chồng chất, anh lại sinh bệnh khối u trong não, lúc đầu bệnh còn nhẹ, chị Sà Phon quyết định gửi em Huỳnh lại cho Ông Bà nội, cùng anh bỏ xứ lên thành phố làm thuê cho xưởng đóng bàn gỗ, công việc của Chị là chà nhám, còn anh thì xem chỗ cưa xẻ gỗ. Một lần đang làm việc anh bị bệnh tái phát nặng co giật xém tí lưỡi cưa lấy mạng, mọi người đưa anh vào viện và từ đấy bệnh ngày càng tái phát nặng hơn. Chị vì muốn chăm sóc chồng nên quyết định để anh nghỉ dưỡng bệnh ở nhà trọ còn chị gánh thêm việc để đủ chi phí trang trải cho cuộc sống và thuốc cho chồng. Mỗi tháng bốn trăm ngàn tiền thuốc, số tiền không nhiều lắm so với căn bệnh hiểm nghèo ấy, nhưng với gia cảnh khó khăn nó như gánh nặng đè xuống oằn vai người vợ trẻ. Những ngày giáp tết mọi người đi làm xa đang náo nức trở về quê sum họp gia đình, còn gia đình anh chị ngậm ngùi với cảnh không tiền, bệnh anh nặng thêm phải đưa vào bệnh viện “ Chợ rẫy” và thấp thỏm lo âu với ca mổ như bản án tử hình cho những con người chân lấm tay bùn quanh năm vất vưởng mưu sinh mà còn chống chọi với cái nghèo đói, bệnh tật.
Nhìn căn nhà trống trơn, rồi nhìn sâu vào mắt bé Huỳnh, tôi như thấy được, đôi vợ chồng trẻ kia đang phải từng giây chiến đấu chống lại số phận nghiệt ngã, giọt nước mắt như trực chờ sẵn để lăn ra trên má em, đủ để hiểu rằng cuộc sống của em mất đi niềm vui, sự sợ hãi đang đè nặng trên khối óc non nớt của em. Trong cái dáng hình mảnh mai nhút nhát ấy, tôi còn thấy một đóm sáng, một nghị lực vươn lên, như một cây khô gặp sa mạc nắng hạn, nhưng vẫn khẳng khiu vươn mình giành quyền được sống. Bằng chứng là Ba Mẹ rời xa từ năm em học lớp hai gửi cho Ông Bà nội già không thể quan tâm chăm sóc việc học hành của em, nhưng em đã tự nỗ lực cố gắng luôn luôn là học sinh giỏi ngần đấy năm, năm học này từ trong vùng sâu chuyển ra còn lạ lẫm bỡ ngỡ nhưng em vẫn giữ vững được thành tích học sinh giỏi, đều đó không phải dễ dàng, đó là một điểm sáng rất đáng trân trọng, một mầm non rất cần được chăm bẵm. Nghĩ lại tiếng thất thần kêu cứu và những giọt nước mắt của em khi Ba em phải tức tốc nhập viện, tôi không biết liệu cái mầm bé bỏng này có thể chống chọi với những ngày tháng giông bão ập xuống gia đình em kế tiếp không. Em nói với tôi tuần sau Ba con được mổ, nhà con nghèo, người ta rút sổ nghèo lại nhưng cho bảo hiểm. Ba con được bảo hiểm. Liệu ca mổ nguy hiểm này có được bảo hiểm không!?.. Tôi liếc nhìn em và nhìn vào vách lá tan nát nhà em, nhìn vào cái trống trải đến hoang vu, lạnh người, con đường làng cứ hun hút phía trước, rồi những mảnh đời như thế sẽ trôi về đâu ?!
Cầm máy bấm vội mấy tấm ảnh, qua lăng kính của chiếc máy ảnh tôi vẫn nhìn rõ đôi mắt ánh lên tia sáng hy vọng, đôi mắt ngây thơ, và cái đôi mắt thất thần kêu cứu hôm nào chợt ùa về choáng ngợp trong tôi.
Ngày mai nội em lên thăm Ba Em, món quà 1.200.000 mà cô giáo chủ nhiệm, cả lớp và những bạn lớp khác, quyên góp để chia sẻ với gia đình em, nó không nhiều lắm nhưng nó là sự sẻ chia ngọt ngào, là cả một biển tình thương mà các bạn chia sớt cho em, với những lời gửi gấm rất dễ thương cầu mong Ba bạn bình an, mau hết bệnh để về với bạn.
Còn tôi, tôi xin một phép mầu đến từ lòng nhân ái của mọi người, từ tuổi thơ vất vưỡng của mình tôi nhìn thấu nỗi thèm thuồng được sống và sống hạnh phúc như những gia đình nông dân chất phát thật thà khác của em và gia đình em.
Tieu Ho